Với bệnh lý cơ xương khớp, nếu tự điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến bệnh ngày càng nặng hơn, nguy hiểm hơn là nguy cơ tàn phế, thậm chí là tử vong.
- Đơn cử như trường hợp của người bệnh 70 tuổi, trú tại Hiệp Hòa, Quảng Yên, Quảng Ninh. Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng cẳng tay trái sưng tấy, nề đỏ, có đầu mủ trắng.
- Trước đó, người bệnh bị đau cổ tay trái và tê bì bàn tay trái, đã được khám, chẩn đoán hội chứng ống cổ tay trái và được tiêm thuốc để điều trị viêm khớp một lần tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
- Người bệnh được bác sĩ tư vấn cụ thể và hẹn tái khám theo lịch. Tuy nhiên, người bệnh không tuân thủ lịch hẹn của bác sĩ và do quá sốt ruột về tình trạng bệnh nên đã tự đến phòng khám tư để tiêm khớp.
- Bên cạnh đó, người bệnh còn đắp cây bèo tây vào cẳng tay, cổ tay trái với hi vọng tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện.
- Thế nhưng tình trạng đau xương khớp không được cải thiện mà vùng cẳng tay trái của người bệnh có biểu hiện sưng nề, tấy đỏ, có điểm rò dịch. Lúc này, người bệnh mới đến bệnh viện khám và được chẩn đoán áp xe cẳng tay trái.
- Người bệnh được cho nhập viện, điều trị dùng kháng sinh, có chỉ định can thiệp ngoại khoa. Hiện tại, sau đợt điều trị và can thiệp vết thương cổ tay trái của người bệnh đã khô, không sưng tấy đỏ.
- Theo các bác sĩ Khoa Tâm thần kinh – Cơ xương khớp, có nhiều quan điểm, phương pháp sai lầm có thể gặp trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp như khi mắc bệnh cơ xương khớp, nhiều người bệnh được chữa đau khớp bằng cách tiêm vào khớp và cứ đau là lại tiêm khớp. Nhưng điều này cần phải rất cẩn trọng vì việc tiêm thuốc vào khớpnếu không được tiến hành tại các cơ sở uy tín đảm bảo vô trùng, sẽ vô tình đưa vi khuẩn từ ngoài vào khớp qua các mũi tiêm. Từ đó, gây nhiễm khuẩn ổ khớp, có thể chảy máu nội khớp, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp và loãng xương.
- Một số khác lại chữa bệnh bằng cách đắp các loại lá cây, bã thuốc không rõ nguồn gốc lên các tổn thương da, cơ, khớp… hoặc áp dụng bài thuốc gia truyền của các thầy lang để điều trị. Tác dụng giảm đau của những bài thuốc đó chưa được khoa học kiểm chứng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như có thể gây bỏng, nhiễm trùng da và biến chứng nguy hiểm cho thận, tim mạch, dạ dày. Khi nhiễm trùng da lan sâu gây nhiễm trùng khớp, nhiễm trùng huyết và có thể dẫn đến tử vong.
- Trong trường hợp có chỉ định tiêm, hãy đến các cơ sở có chuyên khoa để được khám và điều trị phù hợp. Hãy tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sau tiêm khớp của thầy thuốc, tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám kịp thời để bác sĩ điều chỉnh và đưa ra phác đồ phù hợp.
- Lời khuyên từ các bác sĩ là các trường hợp sau tiêm khớp, người bệnh tuyệt đối không được bôi xoa, đắp thuốc và lá cây lên vị trí tiêm khớp.